Đại diện phía địa phương tiếp Đoàn công tác có đồng chí Lý Nguyễn Nguyên Vũ Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa cùng các lãnh đạo các phòng, ban của Sở.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thời gian qua, công tác tư pháp trên địa bàn luôn được lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Tư pháp chú trọng, chỉ đạo triển khai trên từng lĩnh vực cũng như bám sát với tình hình thực tiễn, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác Tư pháp năm 2023; thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp và chủ động triển khai toàn diện đến cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các Sở, ngành, địa phương triển khai công tác pháp chế, tư pháp tại các huyện, thị xã, thành phố.
Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên chỉ đạo, giám sát các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp tại cơ sở, trong đó tập trung vào các hoạt động như: Hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, công tác bồi thường nhà nước, quản lý xử lý vi phạm hành chính, hòa giải ở cơ sở, xây dựng tủ sách pháp luật; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ để củng cố công tác chuyên môn, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực Tư pháp (giám định tư pháp, chứng thực, hộ tịch, công chứng, đấu giá tài sản, phổ biến giáo dục pháp luật…).
Tiến hành tổng kết, khen thưởng về thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ( ban hành theo quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ) tại địa phương theo thẩm quyền và đề xuất giải pháp, tích cực tham gia có chất lượng với việc xây dựng văn bản, đề án về giám định tư pháp trong thời gian tới.
Về tình hình triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Lãnh đạo Sở luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Tính đến ngày 27/3/2023 hệ thống đã ghi nhận 784.131 dữ liệu đăng kí hộ tịch (trong đó: 396.698 dữ liệu khai sinh, 141.298 trẻ em được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, 112.596 dữ liệu kết hôn, 83.704 dữ liệu khai tử, 191.133 dữ liệu đăng ký khác).
Đã hoàn thành việc kết nối phần mềm một cửa với Cổng dịch vụ công Quốc gia, phần mềm một cửa với phần mềm hộ tịch, phần mềm một cửa với phần mềm LLTP, kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao kết quả công tác tư pháp của tỉnh Khánh Hòa năm 2022 và Quý I/2023. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác tư pháp của Khánh Hòa vẫn được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ và Tỉnh. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực công tác đạt kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến so với năm trước. Qua đó, giúp Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa trở thành một trong những đơn vị được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nhiều cá nhân và tập thể được tặng danh hiệu cao quý.
Dịp này, Thứ trưởng cũng đề nghị ngành Tư pháp Khánh Hòa cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo gắn kết chặt chẽ với công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật cũng như kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi thể chế để tạo cơ chế, động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh tại địa phương do UBND tỉnh giao, trong đó chú trọng tư vấn pháp lý giải quyết các vướng mắc về nhà đất, thực hiện các dự án đầu tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và dự liệu, phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; Chủ động hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình đăng ký hộ tịch.
Chú trọng chính sách phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý và xứng với vị thế, tiềm năng của địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên; có giải pháp phát triển nguồn Thừa phát lại ở địa phương để thực hiện tốt hơn việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự.
Đặc biệt, trong thời gian tới, đề nghị Sở Tư pháp Khánh Hòa tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu được nêu tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân
Tích cực triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành đối với Đề án 06 ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng quy định tại các công văn hướng dẫn, yêu cầu của các đơn vị.
Chú trọng phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động với các cơ quan tố tụng tại địa phương, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật và nhân lực tham gia phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Qua đây, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp trong việc tích cực tham mưu UBND tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế; tăng cường biên chế cho Sở, Phòng Tư pháp và Tư pháp hộ tịch cấp xã, đáp ứng được yêu cầu công việc; đặc biệt, chỉ bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công tác tư pháp, hộ tịch).
Với truyền thống đoàn kết, Thứ trưởng tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tư pháp Khánh Hòa sẽ phát huy sức mạnh, đoàn kết, gắn bó, không ngừng sáng tạo, bồi đắp lòng yêu ngành, yêu nghề, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt vai trò, nhiệm vụ là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị của tỉnh và là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp tại các địa phương.